Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Quân đội nhân dân Việt Nam cùng nhân dân cả nước đã lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Triển lãm 3D trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô!” giới thiệu tới đông đảo công chúng những tài liệu lưu trữ và hình ảnh minh họa về cuộc đấu tranh chống Pháp của quân và dân Hà Nội từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1954. Trong đó, có rất nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố.

Trình chiếu phim tư liệu “Hà Nội – Ngày trở về chiến thắng” tại lễ khai mạc triển lãm trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô!”. Ảnh: Huyền Thương

Tại lễ khai mạc triển lãm, ông Phạm Tuấn Long – Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, với mục đích tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về ý nghĩa lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của dân tộc ta và hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức triển lãm trực tuyến với tên gọi “Hỡi đồng bào Thủ đô” trưng bày và giới thiệu một số tư liệu tiêu biểu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và ngày Giải phóng Thủ đô.

“Triển lãm được thực hiện với hình thức trực tuyến, áp dụng công nghệ số, vừa thể hiện sự năng động, đổi mới từng ngày của Thủ đô, vừa giữ lại được những nét truyền thống qua từng bức ảnh tư liệu quý giá được trưng bày”, ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.

Ông Phạm Tuấn Long – Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm phát biểu khai mạc. Ảnh: BTC

Theo ông Đặng Thanh Tùng – Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ, việc ra mắt Triển lãm 3D trực tuyến về chủ đề đấu tranh cách mạng rất có ý nghĩa đối với người dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, đặc biệt là trong công cuộc cách mạng chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.

Ông Đặng Thanh Tùng hy vọng, đây sẽ là một triển lãm hấp dẫn, thu hút công chúng, mang lại hiệu ứng tốt, có tính giáo dục và sẽ được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ để họ có cơ hội được tìm hiểu lịch sử dưới góc nhìn chân thực từ tài liệu lưu trữ.

Ông Đặng Thanh Tùng – Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ phát biểu. Ảnh: BTC

Diễn ra dưới hình thức 3D trực tuyến, triển lãm “Hỡi đồng bào Thủ đô!” được thiết kế và xây dựng nội dung để tạo ra một không gian Hà Nội trên môi trường ảo và giới thiệu tài liệu lưu trữ và hình ảnh về công cuộc đấu tranh của nhân dân Hà Nội trong suốt gần một thế kỉ giúp người xem có thể trải nghiệm không gian Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp mọi lúc, mọi nơi.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc chương trình Triển lãm trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô!”. Ảnh: Huyền Thương

Triển lãm gồm 3 phần, trong đó, phần 1 “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời” giới thiệu tài liệu hình ảnh về giai đoạn đầu cuộc xâm lược của thực dân Pháp tại Hà Nội. Không gian phần một là khu vực Thành Hà Nội, gắn liền với cuộc đánh chiếm Hà Nội của thực dân Pháp và một số cuộc nổi dậy của người Việt để giành lại Thành Hà Nội và chống lại chính quyền thực dân.

Triển lãm gồm 3 phần “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời”; “Hà Nội vùng đứng lên”; “Hà Nội ngày về chiến thắng”. Ảnh; BTC

Phần 2 “Hà Nội vùng đứng lên” giới thiệu tài liệu, hình ảnh về các cuộc đấu tranh cách mạng tại Hà Nội từ năm 1930 đến 1954. Trong suốt gần một thế kỷ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, đặc biệt, kể từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân diễn ra sôi nổi, là tiền đề cho các cuộc khởi nghĩa sau đó. Cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 dưới hình thức biểu tình của 20 vạn dân nội và ngoại thành Hà Nội đã giành thắng lợi vẻ vang. Từ đây, chính quyền ở Hà Nội về tay Việt Minh. Hà Nội hồi sinh chào đón Ngày Độc lập – Quốc Khánh 2/9.

Khói lửa chiến tranh tiếp tục bao trùm phố phường Hà Nội từ cuối năm 1946 khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, toàn quân, toàn dân Hà Nội đã kiên cường chiến đấu, quyết hi sinh tất cả vì Thủ đô thân yêu. Sau 9 năm kháng chiến quật cường, nhân dân thủ đô đã được vui mừng chào đón Đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Hà Nội. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên Cột cờ Hà Nội, kết thúc một chặng đường đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng rất oanh liệt, vẻ vang. Thủ đô Hà Nội rực rỡ huy hoàng ánh sáng của Hoà bình – Độc lập – Tự do trong những ngày tháng 10 năm 1954.

Triển lãm sẽ mang lại cho công chúng những trải nghiệm bằng công nghệ số, cung cấp những tư liệu quý về những năm tháng kháng chiến trường kỳ để có được Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Ảnh: BTC

Phần 3 “Hà Nội ngày về chiến thắng” giới thiệu hình ảnh tài liệu, hình ảnh ngày giải phóng, vang mãi khúc khải hoàn ca. Sau 9 năm kháng chiến anh dũng của nhân dân và quân đội Việt Nam, hoà bình đã được lập lại ở Đông Dương. Nhân dân cả nước và nhân dân thủ đô vô cùng phấn khởi chào mừng Hà Nội giải phóng. Thủ đô giải phóng – ngày hội lớn của nhân dân ta.

Triển lãm “Hỡi đồng bào Thủ đô!” hứa hẹn sẽ mang lại những trải nghiệm hấp dẫn, lý thú cho công chúng bằng công nghệ số, cung cấp những thông tin bổ ích về lịch sử Thủ đô Hà Nội – Mảnh đất ngàn năm văn hiến, anh hùng và hoà bình trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và lòng tự hào của người dân Hà Nội song hành với sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Công chúng quét mã QR code tham quan triển lãm trực tuyến. Ảnh: Huyền Thương

Đồng thời khẳng định rằng, ngày nay, “Hỡi đồng bào Thủ đô!” sẽ vẫn tiếp tục vang vọng, không phải như một lời kêu gọi chiến đấu, mà là lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi người dân Hà Nội trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô yêu dấu. Đây sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho những nỗ lực xây dựng và phát triển Thủ đô, biến Hà Nội không chỉ là một thành phố của di sản và lịch sử, mà còn là một đô thị hiện đại, năng động, xứng đáng với vị thế của một Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Địa chỉ truy cập Triển lãm 3D trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô”: https://archives.org.vn/hoidongbaothudo/

hoặc http://hoankiem.hanoi.gov.vn/hoidongbaothudo/

Nhân dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn và khi đất nước bị xâm chiếm thì tinh thần yêu nước đó càng trở nên mạnh mẽ. Mọi lực lượng, mọi tầng lớp đều vùng lên đánh giặc, tham gia kháng chiến trên nhiều mặt trận, nhiều hình thức: có người đánh giặc nơi tiền tuyến, có người hoạt động ở hậu phương, có người dùng ngòi bút, lời ca, tiếng đàn của mình cổ vũ động viên tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương.

Trong thực tế đã chứng minh, những lúc đương đầu chiến đấu với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm thì những giai điệu, bản nhạc, bài thơ là những món ăn tinh thần kịp thời tạo thêm sức mạnh giúp ta chiến thắng. Và trên quê hương Vĩnh Long, có một đoàn văn công dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng; đó chính là Đoàn văn công Cửu Long. Đặc biệt, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đoàn văn công đó đã không ngừng tiếp thêm sức mạnh, ý chí chiến đấu cho toàn quân, toàn dân giành thắng lợi. Tất cả đóng góp ấy có trong quyển sách “Đoàn văn công Cửu Long trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1961 - 1975)”, do Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ ấn hành năm 2019.

Trước hết, quyển sách cho ta thấy được hành trình của Đoàn văn công Cửu Long trong giai đoạn lịch sử trước năm 1930 đến năm 1975 với hai mốc thời gian. Cụ thể:

* Sự ra đời của Đoàn văn công trước năm 1930: gồm một số nét văn nghệ tự phát và văn nghệ có Đảng lãnh đạo.

Một số nét văn nghệ tự phát: Khái quát lại điểm khởi phát và hoạt động văn nghệ trong thời gian này lấy mốc từ thế kỷ thứ XVIII, khi Long Hồ dinh là thủ phủ miền Tây được đặt ở thành phố Vĩnh Long ngày nay. Cụ Phan Thanh Giản và Nguyễn Thông khởi xướng lập ngôi nhà văn nghệ vào năm 1864 mà ngày nay chúng ta gọi là “Văn Xương Các”. Đây là nơi sinh hoạt văn thơ của những văn nhân và cũng là nơi xuất phát, từng bước hình thành phong trào thơ ca yêu nước chống ngoại xâm ngày càng phát triển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cũng từ đó, trên quê hương Vĩnh Long có rất nhiều tác phẩm văn thơ kiệt xuất của các bậc tiền nhân yêu nước ra đời dưới hình thức truyền miệng và thành văn, nhưng hiện đã thất lạc khá nhiều và chưa thể tìm lại đầy đủ. Bên cạnh đó, các dòng nhạc cổ dân gian mang đậm sắc thái dân tộc và những bài ca quốc sự có nội dung yêu nước chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc cũng xuất hiện không ít.

Văn nghệ có Đảng lãnh đạo: Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã soi đường cho văn nghệ cách mạng bước đi vững vàng, phát huy được vai trò, sức mạnh. Văn nghệ đã thúc giục người người xông lên chiến đấu, thà hy sinh chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Nổi bật với nhiều sáng tác còn vang mãi đến ngày nay như: bài thơ “Nô Men” của Truy Phong, bài hát “Tiểu đoàn 307” của Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Bính, “Nam Bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn, “Kỵ binh Việt Nam” của Minh Triết, ….

* Văn nghệ Vĩnh Long chống đế quốc Mỹ xâm lược 1954 - 1975: gồm 05 mốc thời gian cụ thể từ giai đoạn 1954 - 1960; giai đoạn 1961 - 1964; giai đoạn 1965 - 1968;  giai đoạn 1969 - 1971 đến giai đoạn 1972 - 1975.

Văn nghệ Vĩnh Long giai đoạn 1954 - 1960: Trong giai đoạn này, văn học nghệ thuật hoạt động sôi nổi dưới nhiều hình thức, nội dung, nhiều thể loại phong phú, giữa hình thức hợp pháp và bất hợp pháp trong sáng tác, biểu diễn để phục vụ cách mạng. Từ nông thôn đến thành thị luôn vang lên các lời ca, điệu vũ tuyên truyền cách mạng như: “Con chim vàng”, “Miền Nam nguyện theo Đảng”, “Mừng hoà bình”, …Trên lĩnh vực ca tân, ca cổ, kịch, cải lương, đờn ca tài tử cũng hoạt động mạnh mẽ với những tác giả nổi bật như: Lại Trí Huệ, Trần Mộng, Kiên Tâm,…., nhạc công đàn cò Nguyễn Văn Xích, giọng ca Huỳnh Văn Đạt,…Văn nghệ tỉnh nhà trong thời gian này tiếp tục phát huy tuyên truyền chống Mỹ - Ngụy và tay sai để cứu nước.

Văn nghệ giai đoạn 1961 - 1964: Giai đoạn này, Đoàn văn công Cửu Long chính thức được thành lập vào tháng 6/1961, trên cơ sở lấy đoàn ca vũ kịch xã Mỹ Thuận (Bình Minh) làm nòng cốt với chức năng là biểu diễn phục vụ nhân dân, đưa cán bộ xuống hỗ trợ các đoàn ca múa nhạc ở xã dàn dựng, nâng cao chất lượng hoạt động và tuyển chọn năng khiếu bổ sung nhân sự cho đoàn. Từ năm 1961 - 1964, có rất nhiều hoạt động nổi bật như: Ra mắt tập san văn nghệ mang tên “Văn nghệ nhân dân” do nhạc sỹ Nguyễn Văn Ninh (Kiên Tâm) phụ trách biên tập, họa sỹ Vũ Ba phụ trách mỹ thuật minh họa vào năm 1961; tiếp tục xuất bản thêm các tập “Khúc ca chiến thắng”, “Bài ca yêu nước”, “Ca dao chống Mỹ”,…; Các cán bộ, diễn viên, nhạc công được quan tâm đưa đi đào tạo; Những nhóm và tổ văn nghệ phong trào giúp các đoàn cơ sở phát triển nhất là hướng dẫn sử dụng nhạc cụ đàn Măn-đô-lin và sáng tác; phong trào văn học nghệ thuật ở khắp các huyện, xã đều hoạt động mạnh mẽ, các đoàn văn công xã phát triển tương đối mạnh về số lượng và chất lượng, phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh có bước phát triển mới. Đặc biệt, vào tháng 9/1963, Đại hội đại biểu Hội văn nghệ giải phóng tỉnh Vĩnh Long diễn ra tại trường học ở ngã ba Tầm Vu - vùng giải phóng xã Mỹ Thuận (nay là xã Nguyễn Văn Thảnh); tại Đại hội đã nhận được ý kiến chỉ đạo quan trọng về nhiệm vụ của văn nghệ kháng chiến và biểu dương thành tích đạt được của văn nghệ tỉnh nhà.

Văn nghệ giai đoạn 1965 - 1968: Đây là khoảng thời gian khó khăn khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” chống phá. Khi đó, Tiểu ban văn nghệ tỉnh xây dựng căn cứ ở bờ sông Cái Ngang, Đoàn văn công Cửu Long xây dựng căn cứ ở rạch Cái Lá (Mỹ Lộc). Vùng căn cứ luôn rơi vào nguy hiểm, đồng chí Nguyễn Văn Thới (Mười Xã) - Trưởng Đoàn văn công hy sinh, đồng chí Huỳnh Thanh Trang (Ba Trang) trọng thương trong lúc rèn luyện ráo riết tiết mục phục vụ Tết Mậu Thân năm 1968…Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, phong trào của Tiểu ban văn nghệ tỉnh vẫn không ngừng phát triển mọi mặt và phấn khởi xông lên biểu diễn liên tục phản ánh khí thế thanh niên tòng quân giết giặc, khí thế hưởng ứng chiến dịch mùa khô, …phục vụ chiến sỹ, đồng bào nhiều buổi và hàng ngàn lượt người xem.

Văn nghệ giai đoạn 1969 - 1971: Giai đoạn này, chiến tranh ác liệt khi địch tập trung bình định cấp tốc nên hoạt động của Đoàn văn công gặp nhiều khó khăn, không ổn định và đôi lúc di chuyển nhiều nơi để tránh địch. Thế nhưng, bằng quyết tâm cao độ, Tiểu ban văn nghệ vẫn luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong bất cứ tình huống nào. Cuối năm 1971, lực lượng văn nghệ chuyên và không chuyên bước đầu khởi động, tập văn nghệ “Gương sáng soi chung” và tập “Bài ca yêu nước” được xuất bản giữ vững định kỳ hàng tháng.

Văn nghệ giai đoạn 1972 - 1975: Trong giai đoạn này, Tiểu ban văn nghệ và Đoàn văn công tập trung sáng tác phản ánh những cá nhân, tập thể quần chúng và các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang xuất sắc trong phong trào đấu tranh; tập trung vào công tác đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng đội ngũ cán bộ sáng tác và các lực lượng biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng. Văn nghệ ta bằng mọi loại hình, tác phẩm đã dồn sức phục vụ, vận động toàn dân, toàn quân tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, góp phần cùng miền Nam và cả nước quyết giành nhiều thắng lợi lớn có ý nghĩa quyết định cho bước tiếp theo.

Ngoài lịch sử hình thành và quá trình hoạt động, quyển sách còn giới thiệu đến bạn đọc nhiều bài viết về những đóng góp của Đoàn văn công tỉnh Cửu Long như: “Đoàn văn công Cửu Long trưởng thành và phát triển gắn liền với cuộc chống Mỹ cứu nước” của tác giả Nguyễn Ký Ức;“Sức mạnh của lời ca, tiếng hát văn công trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước” của Nguyễn Thanh Hùng;“Loại hình nghệ thuật góp phần quan trọng trong nền văn nghệ kháng chiến và trong thời bình ở tỉnh Vĩnh Long” của tác giả Huỳnh Thanh Trang; “Những ngày tháng Không thể nào quên” của Cao Huyền,…Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy mà trực tiếp là Ban Tuyên huấn tỉnh, Đoàn văn công của tỉnh đã góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng tỉnh nhà, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trên mặt trận văn học nghệ thuật như câu nói của Bác: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Quyển sách đã giúp chúng ta biết được hành trình, đóng góp của Đoàn văn công tỉnh Cửu Long trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, cảm nhận được những cống hiến thầm lặng trong quá trình làm tròn nhiệm vụ “Tiếng hát át tiếng bom” giúp tinh thần chiến sĩ, nhân dân luôn vững tin vào cách mạng trên chặng đường chống giặc cứu nước. Đọc quyển sách, tôi tự hào về một thời hào hùng của cha ông, thầm cảm ơn họ và tự hứa sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với truyền thống ông cha, xứng đáng là người con đất Vĩnh.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Vĩnh Long, xin trân trọng giới thiệu !

Ký hiệu môn loại: 959.787/Đ406V

Xác định thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới là nội dung quan trọng, cấp ủy, chỉ huy các cấp ở Vùng 5 Hải quân đã đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tọa đàm, diễn đàn, hệ thống bảng tin, khẩu hiệu, phát thanh nội bộ, mạng xã hội; mô hình “Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa”… làm cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức sâu sắc ý nghĩa của kết luận, nghị quyết; nêu cao ý thức trách nhiệm, tiếp tục giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Trong 2 năm qua, toàn Vùng đã tổ chức 25 buổi tọa đàm thanh niên, thi tìm hiểu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân”; thực hiện trên 800 chương trình truyền thanh nội bộ tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn kết hợp với tuyên truyền “Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa”, tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng...

Cùng với đó, cụ thể hóa việc thực hiện 5 đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và chống 10 biểu hiện chủ nghĩa cá nhân trong kế hoạch của tổ chức đảng; xác định đây là cơ sở để lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, đảng viên, quần chúng tự phê bình, kiểm điểm, “tự soi, tự sửa”. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy, chủ trì các cấp đã phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, đi đầu trong phòng, chống lãng phí, tiêu cực và chủ nghĩa cá nhân.

Tìm hiểu được biết, nét nổi bật trong phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” ở Vùng 5 Hải quân đó là luôn gắn sát đặc điểm tình hình, hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Vùng và các cơ quan, đơn vị; trọng tâm là xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cho bộ đội, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu của toàn Bộ Tư lệnh Vùng, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển được phân công. Duy trì đồng bộ lực lượng, phương tiện trực sẵn sàng chiến đấu; xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống văn kiện tác chiến; hoàn thành nội dung, chương trình huấn luyện cho các đối tượng, tổ chức các cuộc diễn tập, bắn đạn thật sát thực tiễn, chất lượng ngày càng cao, an toàn tuyệt đối. Vùng luôn hoàn thành tốt kế hoạch huấn luyện hằng năm, bảo đảm 100% nội dung, thời gian, trên 98,5% quân số; kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, thực chất, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong huấn luyện.

Đặc biệt, với phương châm “đồng hành, sát cánh cùng ngư dân”, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân luôn tích cực luyện tập các phương án ứng phó với sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong ứng phó với sự cố, thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh…

Đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng 5 đã điều động gần 9.300 lượt cán bộ, chiến sĩ, 145 lượt phương tiện tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn 146 vụ. Cán bộ, chiến sĩ Vùng đã không quản khó khăn, hiểm nguy, sóng to, gió lớn, kịp thời dập cháy hơn 200 ha rừng, hàng chục nhà dân bị hỏa hoạn; cứu vớt được 43 lượt ngư dân, 55 phương tiện gặp nạn trên biển. Qua đó, đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Mới đây nhất, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa dông kèm theo sóng lớn đã làm sạt lở nhiều khu vực bờ biển tại địa bàn khu phố 5, phường An Thới, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân. Với tinh thần trách nhiệm, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai các phương án phòng chống sạt lở khẩn cấp. Hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường phối hợp với các lực lượng tại chỗ tổ chức di chuyển tài sản của người dân ra khỏi vùng sạt lở đồng thời chằng chống nhà cửa, vận chuyển hàng chục khối đá hộc kè bờ biển.

Anh Lữ Văn Quận (sinh năm 1989, ngụ tại khu phố 5, phường An Thới, Thành phố Phú Quốc), Thuyền trưởng tàu cá số hiệu KG 1725 TS chia sẻ: “Cuối tháng 6 vừa qua, khi đang neo đậu tại khu vực vịnh An Thới, Thành phố Phú Quốc thì tàu của tôi bất ngờ gặp mưa dông, gió to, sóng lớn. Tàu bị đứt dây neo, trôi dạt và bị mắc cạn. May được lực lượng của Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân cứu giúp kịp thời nên đã giúp tàu không bị hư hại; đồng thời, bảo đảm an toàn tính mạng của tôi và 3 ngư dân khác trên tàu”.

Theo đồng chí Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 5 Hải quân, việc thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương đã giúp trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các cơ quan, đơn vị trong toàn Vùng. Đồng thời, góp phần tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” trong tình hình mới.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các cấp sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nêu cao tính tiền phong gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ trì các cấp; tiếp tục thực hiện tốt phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo, cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện và nêu gương” theo Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương.

Đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục ở đơn vị cơ sở, tập trung vào đội ngũ cán bộ chủ trì, sĩ quan trẻ cấp tàu, đại đội, trạm ra đa với các hình thức như: học tập các chuyên đề, sinh hoạt chính trị tư tưởng, tọa đàm, diễn đàn, thi tìm hiểu,… qua đó, không ngừng lan tỏa đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ; góp phần tô đẹp thêm phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”./.

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước 1945, Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh thành lập ngày 19-5-1941 là một sáng tạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Việt Minh là một tổ chức liên minh chính trị (trong đó, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng là một bộ phận trong Việt Minh - bộ phận nòng cốt và lãnh đạo) nhằm đoàn kết liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị, các đoàn thể dân chúng yêu nước, cùng đánh đuổi Nhật - Pháp, giành quyền độc lập cho dân tộc Việt Nam, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 3-1951, Việt Minh hợp nhất với Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Liên Việt nhưng vẫn được mọi người quen gọi là Việt Minh.

Qua các hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của các nhà lãnh đạo Việt Minh, của một số nhân chứng, các tư liệu lịch sử, ảnh, báo chí xuất bản trong thời kỳ này, tác giả bài viết mong muốn phác họa đôi nét về hình ảnh, cuộc sống của người chiến sĩ Việt Minh đã tham gia chiến đấu trong những năm 1945-1954 tại chiến khu Việt Bắc, các vùng kháng chiến ở miền Trung và Nam bộ, tại các chiến trường quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Vậy người lính Việt Minh là ai? Họ từ những nông dân, thợ thuyền, trí thức tự nguyện gia nhập các đội tự vệ, dân quân, du kích và các lực lượng vũ trang quân đội nhân dân Việt Nam trong Mặt trận Việt Minh để chiến đấu bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Họ là những người chiến đấu vô cùng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, sống có lý tưởng, mục đích, chịu đựng, vượt qua mọi gian khổ, khó khăn để chiến thắng kẻ thù.

Những năm cuối thập kỷ 40 của thế kỷ trước, nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp trong đơn độc, trong vòng vây của chủ nghĩa thực dân, không có sự hỗ trợ của quốc tế về vật chất. Trong điều kiện sống và chiến đấu trường kỳ, tự lực cánh sinh, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, các nhu cầu về ăn, mặc, ở, vũ khí súng đạn của bộ đội vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Thiếu vũ khí trong chiến đấu, với tinh thần sáng tạo, người lính Việt Minh tự sản xuất, chế tạo nhiều loại vũ khí còn thô sơ nhưng có công hiệu không nhỏ. Trong 60 ngày đêm chiến đấu ác liệt bảo vệ Hà Nội cuối năm 1946, các quyết tử quân đã ôm bom ba càng lao vào tiêu diệt xe tăng Pháp. Đây là một loại bom hình chóp nón, đáy lõm, có ba càng, được làm bằng gang hàn kín, bên trong chứa thuốc nổ, bên ngoài có kíp nổ. Đến đầu 1947, súng bazôka được nghiên cứu, chế tạo thành công ở chiến khu Việt Bắc và trong khu rừng Sác thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu. Súng bắn đạn lõm, có độ nóng lên tới 3.000oC, dễ dàng xuyên thủng vỏ xe tăng, xe bọc thép, tàu thủy của đối phương.

Bom ba càng, do người lính Việt Minh tự chế tạo, sản xuất trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Súng Bazôka, do quân giới ta sản xuất-nỗi kinh hoàng của quân đội Pháp trong chiến dịch Thu- Đông 1947.

Những người lính làm công tác địch vận trong kháng chiến cũng có nhiều sáng kiến: xuất bản báo Tia Sáng (1946-1950) - tờ báo địch vận đầu tiên của Việt Minh bằng tiếng Pháp, làm các chương trình phát thanh, đến nói chuyện tại các trại giam tù binh Pháp, kể các câu chuyện về văn hóa Việt Nam, về nỗi niềm của người lính xa nhà, về những giấc mơ hòa bình của người lính Lê dương trong đội quân Viễn chinh. Trong chiến dịch Biên Giới thu đông 1950, anh nuôi, bộ đội tìm tàn binh Pháp lẩn trốn trong rừng bằng cách cắm nắm cơm lên đầu một cây gậy tre giơ cao thay lời kêu gọi bằng tiếng Pháp mà họ không biết nói. Thương binh, tù binh Pháp càng thấm thía hơn khi được người chiến sĩ không cùng chiến tuyến cho uống từng ngụm nước, nhường cả khẩu phần ăn ít ỏi của mình cho những người mà chỉ ít gi trước đó, hai bên cùng sẵn sàng sinh tử.

Sau trận chiến, để đảm bảo lương thực, bộ đội tự tăng gia sản xuất, trồng sắn, ngô, tự cấp tự túc. Bữa ăn chỉ có khoai, sắn, ngô, măng rừng chấm muối, cơm vắt, muối vừng hoặc mấy bánh lương khô được Trung Quốc viện trợ sau năm 1950. “Nửa đêm, dọc đường hành quân, vừa ngồi nghỉ vừa nhai mấy nhúm gạo rang lót dạ”, uống nước cơm cháy đựng trong ống bương.

Bếp Hoàng Cầm- đến ngày nay vẫn được đưa vào chương trình đào tạo trong các trường quân sự của quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1949, tiền sinh hoạt phí của bộ đội chỉ đủ mua 7-8kg gạo (4-620). Cuối 1952, do bị bão lớn, ở vùng căn cứ Dương Minh Châu (Nam bộ), tiêu chuẩn gạo của bộ đội có lúc chỉ còn 2,5kg gạo/tháng, phải ăn cháo, thậm chí không đủ gạo nấu cháo cho thương binh (3 -185). Trong chiến dịch Tây Bắc, đời sống của bộ đội càng khó khăn hơn khi dân công, mặc dù với khẩu phần ăn hàng ngày đã rất hạn chế, đã ăn hết 92% số gạo vận chuyển ra mặt trận. Việc nấu cơm phục vụ bộ đội ở chiến trường thường phải làm ban đêm và nhiều lần bị địch phát hiện dẫn đến nhiều tổn thất xương máu. Chiến sĩ nuôi quân Hoàng Cầm (thuộc đại đoàn 308) đã có sáng kiến đào những đường rãnh thoát bên sườn núi nối liền với bếp nấu, bên trên rãnh đặt cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khói từ các bếp nấu bốc lên qua các đường rãnh, chỉ còn là một dải hơi nước tan nhanh khi rời khỏi mặt đất. Từ đó anh nuôi có thể thổi nấu ban ngày, bộ đội được ăn uống nóng trong mùa đông giá lạnh. (4 – 799). Chiến dịch Điện Biên Phủ đầu 1954, bộ đội mang theo đỗ làm giá thay rau tươi ngay trên dọc đường hành quân.

Một cảnh sinh hoạt của bộ đội Thừa Thiên - Chiến khu 2 năm 1948.

Bộ đội Quảng Ngãi luyện tập trong kháng chiến chống Pháp.

Những ngày đầu kháng chiến, “quần áo bộ đội phần lớn do anh em mang từ gia đình đi. Nhiều đơn vị thành lập một thời gian dài vẫn không đủ quần áo cấp cho bộ đội” (4 - 444). Năm 1946 -1947, tự vệ đội mũ calo gắn phù hiệu vuông nền đỏ sao vàng “chiếc mũ calo có đính ngôi sao vàng Vệ quốc quân” (5 – 76). Hành trang của người chiến sĩ chỉ có “một đôi dép lốp, thuốc ký ninh và thuốc Stovarsol, dạng ống chữa đi lỵ, đi kiết” (5 – 90). “Các chiến sĩ tự sắm dép cao su, làm lấy mũ nan, bi đông bằng ống tre, bát bằng ống bương, balo, giỏ lựu đạn bằng tre mây.” (4- 444). Cuối năm 1947, vào mùa đông, bộ đội có thêm áo trấn thủ. Áo trấn thủ rất đơn giản, ngắn đến thắt lưng, cổ tròn, không có tay áo. Gồm có hai mảnh: mảnh trước và mảnh sau, nối liền nhau ở cạnh sườn và một bên vai. Cạnh sườn và trên vai bên kia thì cài cúc. Mỗi mảnh áo may hai lần vải, ở giữa nhồi bông, chần hình quả trám. Áo gọn gàng, giữ nhiệt tốt.

Áo trấn thủ- Anh hùng Cù Chính Lan mặc khi tham gia chiến dịch Hòa Bình, năm 1951.

Dép cao su, một sáng kiến của bộ ta trong kháng chiến chống Pháp.

Những năm kháng chiến gian khổ hiếm bông, có thời kỳ phải dùng lông vịt hay vỏ cây sui đập rập, phơi khô thay bông. Cúc, khuy cũng thiếu, phải dùng dây vải buộc hoặc làm cúc bằng giấy ép tẩm sơn thay thế. Chiếc mũ bộ đội thường dùng được đan bằng tre, hoặc làm bằng lá cọ nhưng có đặc điểm là bọc vải chùm cả vành mũ, bên ngoài phủ một tấm lưới có đính rải rác những miếng vải dù hoa xé nhỏ để ngụy trang. Có trường hợp mũ chỉ bọc vải dù hoa. Chân đi đôi dép lốp cao su đen (từ khu Bốn trở ra được gọi là dép Bình Trị Thiên). Xuất hiện đầu năm 1947, dép cao su là một sáng tạo có giá trị lịch sử, giải quyết được đồ đi cho bộ đội, người dân suốt thời gian kháng chiến chống Pháp và mãi về sau này. Chiến sĩ lấy lốp xe ôtô, đo chân cắt thành đế dép, dùi tám lỗ để xỏ quai bằng cao su đen lấy từ xăm ô tô: hai quai chéo phía trên, hai quai ngang phía dưới làm quai hậu và quai vòng. Bề ngang các quai khoảng 1 cm. Điều kì lạ là giữa quai và đế được cố định chắc chắn vào nhau không bằng bất cứ một thứ keo kết dính nào mà nhờ vào sự giãn nở của cao su. Đó là những đôi dép rất đơn giản, bền, tiện sử dụng, dễ làm, dễ bảo quản, vệ sinh, thích ứng trong mọi điều kiện địa hình, khí hậu, thời tiết ở vùng rừng núi trong kháng chiến. Chiếc mũ nan lớp vải, áo trấn thủ và đặc biệt là đôi dép được cắt từ lốp và ruột xe ôtô cũ đã qua sử dụng làm hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ thời kỳ chống Pháp thật giản dị, gần gũi và thân thương. Đến chiến dịch Tây Bắc năm 1952, để chống cái rét của vùng rừng núi, bộ đội được phát áo chấn thủ dài tay (như một thứ blu-dông bông). Ngoài ra, do thu được nhiều dù chiến lợi phẩm, mỗi người thường dùng một miếng dù to, khi hành quân thì ngụy trang, trời rét thì quàng cổ, đêm ngủ thì làm chăn đắp. Năm 1953, bộ đội bắt đầu được trang bị quân phục thống nhất.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đầu 1954, “các chiến sĩ mặc áo bông mới dài tay, súng đạn, balô, bao gạo đầy ắp trên người, đi hàng một nuối đuôi nhau bước gấp ra trận địa. Chiếc cọc màn, dây phơi quần áo được chuẩn bị sẵn để có chỗ ngủ tươm tất. Trước khi đi ngủ, từng tổ ba người khoét một hố nhỏ, lót nilông bên dưới rồi đổ nước ấm pha muối để cùng ngâm chân”.

Phát huy sở trường đánh địch trên chiến trường rừng núi, đánh đêm, đánh gần, trong những lần hành quân trong đêm tối, bộ đội thường lấy lá mục hoặc mảnh tre mục cài lên mũ hoặc sau lưng để người sau nhận ra người đi trước qua những đốm sáng lân tinh. Thời gian hành quân được bộ đội biến thành những giờ học văn hóa, vừa hành quân người đi sau vừa học chữ trên những tấm bảng nhỏ treo trên lưng người đi trước. Mỗi chiến sĩ mang 30kg gạo, súng, đạn, thuốc nổ trên vai. Gặp trời mưa giữa đèo cao, dốc đứng, bộ đội đứng hàng giờ giữa suối, giữa đèo, mưa rát mặt mà không thể tìm ra chỗ ngồi nghỉ hoặc đặt tạm balô. Quần áo mặc trên người ướt lại khô, khô rồi lại ướt.

Sau chiến dịch Biên Giới, chiếc xẻng là một trong những thứ trang bị của người lính xung kích. Xẻng dùng để đào hố tránh đại bác, đào hệ thống hầm (pháo, giấu xe, sinh hoạt, thương binh...). Mỗi hầm sinh hoạt có 3 người, có 2 giường bằng đất, căng vải dù. Nấu ăn dưới hầm, có kho dự trữ thực phẩm, có giếng nước trong vắt, bộ đội dùng gỗ hòm đạn lát trần, vách, ghép giường, bàn ghế. Những lúc nghỉ trong hầm, bộ đội đọc truyện, chơi tú lơ khơ, dùng vỏ đạn chế đèn dầu phục vụ sinh hoạt. Trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên, bằng những chiếc xẻng nhỏ bé, hệ thống hào trục (sâu 1,7m, đáy 1,2m), hào bộ binh (đáy 0,5m) mỗi ngày lại dài hơn, vây chặt kẻ thù. Mỗi chiến sĩ sau giờ ngủ buổi sáng, buổi chiều chuẩn bị gỗ, lá ngụy trang xây dựng trận địa, đến tối, từ nơi trú quân tiến ra cánh đồng đào trận địa. Gần cứ điểm, bộ đội chuyển sang đào dũi, không lộ thiên, đào cả ngày lẫn đêm.

Xẻng của bộ đội công binh sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bộ đội ta được trang bị chính qui trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Vượt lên gian khó, tại núi rừng Việt Bắc, những chiến sĩ làm công tác văn hóa không ngừng nghỉ làm báo, in, xuất bản nhiều loại báo chí đều đặn hàng ngày. Đặc biệt có báo được in và phát hành, chuyển đến tay bộ đội ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ (báo Quân đội nhân dân). Bộ đội được xem triển lãm trong rừng, thưởng thức các chương trình giao lưu, văn nghệ, thấm đẫm tinh thần lạc quan yêu đời, vững tin vào cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi, đất nước độc lập.

Bộ đội ta đọc báo trong những phút bình yên hiếm hoi tại mặt trận Điện Biên Phủ.

Trong những năm tháng ấy, nhiều chiến sĩ đã trở thành thi sĩ. Nhiều bài thơ mà tác giả chính là người chiến sĩ như: Tây Tiến của Quang Dũng phác hoạ vẻ đẹp hào hùng và bi tráng, niềm vui và nỗi buồn của người chiến sĩ trong “đoàn quân không mọc tóc” thường bị sốt rét hoành hành, với màu da tái xanh và bị rụng tóc tiến lên vùng rừng núi Tây bắc, giáp Lào năm 1948. Bài Đồng chí của Chính Hữu, ca ngợi tình đồng chí, đồng đội trong chiến đấu giữa những người cùng chịu những cơn “sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”, cùng cảnh “áo rách vai, quần tôi có vài mảnh vá”, “chân không giầy”… Không chỉ những nhà thơ - chiến sĩ được lưu danh, còn có vô kể những lời ca, điệu hò vô danh được sinh ra qua mỗi chiến dịch từ Tây Bắc đến Điện Biên.

Trong mỗi người lính Việt Minh luôn chứa đựng một bản lĩnh, phẩm chất, một sức mạnh kỳ diệu được xây đắp lên từ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chính xác hơn đó là bản sắc dân tộc, đó là tiếng gọi từ con tim, từ dòng máu Việt. Người chiến sĩ Vệ quốc quân – Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp - những con người bình dị mà cũng thật anh dũng, hiên ngang là biểu tượng cao đẹp sẽ sống mãi với thời gian, với non sông đất nước.

Ths. Nguyễn Thị Tường Khanh (Ban XDND&HTTB)

1. Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 thắng lợi và bài học. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2000.

2. Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ. Trần Thái Bình. NXB Văn hóa Sài Gòn, 2007.

3. Lê Duẩn tiểu sử. Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2007.

4. Tổng tập hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp. NXB Quân đội Nhân dân. Hà Nội, 2006.

5. Những nẻo đường chinh chiến. Hồi ức của Đào Văn Xuân. NXB Hội Nhà văn Việt Nam. Hà Nội, 2004.