VTV.vn - Tình trạng nghiện game đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt trong độ tuổi học sinh, sinh viên. Đây không phải là câu chuyện của riêng quốc gia nào.

Dạy học ngôn ngữ kết hợp với kỹ năng nghề

Bà Yang, Lihong, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mở Vân Nam, Trung Quốc, cho rằng, để chung tay xây dựng cộng đồng giáo dục mở trong thời đại mới cần thúc đẩy quốc tế hoá tài nguyên chương trình giảng dạy, đặc biệt là quốc tế hoá chương trình giáo dục quốc tế của Trung Quốc. Nhà trường sẽ khám phá mô hình phát triển giáo dục quốc tế “Tiếng Trung và kỹ năng nghề” và mô hình ứng dụng giáo dục quốc tế mới dựa trên đào tạo trực tuyến, ngoại tuyến, thực hành.

Theo bà Yang Lihong, đẩy mạnh quốc tế hoá các dịch vụ hỗ trợ học tập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học ở Nam Á và Đông Nam Á; cung cấp các dịch vụ học tập quốc tế, trung tâm dịch vụ một cửa trở thành cửa sổ và điểm nhấn trong các dịch vụ giáo dục quốc tế. Bên cạnh đó là thúc đẩy quốc tế hoá ứng dụng thương hiệu của giáo dục mở. Điều này không đơn thuần là dạy ngôn ngữ, kỹ năng mà sử dụng tiếng Trung làm phương tiện để quảng bá văn hoá Trung Quốc rộng rãi và sâu sắc ra thế giới. Nhà trường phải đảm bảo xây dựng chất lượng và nội hàm, đồng thời tạo hiệu ứng thương hiệu quốc tế.

Ths. Lê Huy Hoàng, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 – NCS Tiến sĩ, trường Đại học Sư phạm Hoa Đông, Trung Quốc, cho rằng, việc thiết kế chương trình giảng dạy của một số trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam tương đối khó.

Theo Ths. Lê Huy Hoàng, các trường yêu cầu tương đối cao về khả năng ngôn ngữ và khả năng dự trữ kiến thức của sinh viên, dẫn đến ngôn ngữ giảng dạy buộc phải thay đổi (từ tiếng Trung sang tiếng Việt), hoặc nội dung giảng dạy như bị ép buộc thay đổi nên không thể đạt được khái niệm thiết kế ban đầu.

Điều này đòi hỏi nghiên cứu chuyên sâu của từng tổ chức để có sự điều chỉnh. Giữa hai hướng học kiến thức qua ngôn ngữ và học ngôn ngữ qua kiến thức, hầu hết các trường cao đẳng, đại học đều thiết kế các khóa học theo hướng học kiến thức ngôn ngữ.

Tuy nhiên, điều kiện thực tế không cho phép hoàn thành mục tiêu đào tạo bắt buộc phải thay đổi nội dung giảng dạy, nên định hướng đào tạo đã được sửa đổi. Ths Lê Huy Hoàng đề xuất, chúng ta phải xem xét toàn diện đội ngũ giáo viên của trường, nhu cầu học tập, khả năng thực tế của học sinh, truyền thống giảng dạy…

Ths Lê Huy Hoàng khuyến nghị, hãy bắt đầu với các lớp học có số lượng nhỏ và phát triển dần dần. Sử dụng kiến thức tiếng Trung được sử dụng làm tài liệu để học ngôn ngữ và không cần nhấn mạnh tính chất hệ thống của nó.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học của Trung Quốc như: Đại học Mở Vân Nam, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam, các doanh nghiệp, đơn vị đào tạo tiếng Trung ngắn hạn, cùng các nhà khoa học đến từ các trường đại học uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo tiếng Trung Quốc.

Các tham luận tập trung vào hai chủ đề chính: "Hợp tác quốc tế trong đào tạo tiếng Trung Quốc" và "Ứng dụng công nghệ số trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Trung Quốc". Đây là những nội dung thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Trung tại Việt Nam.

Đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới

Hội thảo quốc tế Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ Trung Quốc trong bối cảnh chuyển đổi số, do trường Đại hoc Mở Hà Nội tổ chức sáng 15/11. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ giảng viên chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Trung Quốc trong kỷ nguyên số.

TS. Nguyễn Minh Phương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Trung Quốc đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã và đang tạo ra những thay đổi căn bản trong phương pháp giảng dạy, nghiên cứu ngôn ngữ. Đồng thời, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam, Trung Quốc ngày càng phát triển đã tạo ra nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Trung.

Là một cơ sở giáo dục đại học với sứ mạng “Mở cơ hội học tập cho mọi người”, trường Đại học Mở Hà Nội nhận thức rõ vai trò là đơn vị tiên phong trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ số vào quá trình đào tạo. Đồng thời, nhà trường cũng là nơi quy tụ đội ngũ các chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy tiếng Trung Quốc.

“Xuất phát từ tầm quan trọng của vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục, trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ Trung Quốc trong bối cảnh chuyển đổi số, nhằm đem lại những kiến thức bổ ích và thiết thực cho cả giảng viên và sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường nói riêng và Việt Nam nói chung”, TS Nguyễn Minh Phương nói.

Theo các nhà giáo, chuyển đổi số trong giáo dục là ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và hệ thống thông tin internet vào lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, quản lý giáo dục. Chuyển đổi số giúp tạo ra môi trường học tập, trong đó mọi thứ có thể kết nối với nhau, nhằm trau dồi kiến thức về kỹ thuật số cho sinh viên, trang bị cho họ những kỹ năng cốt lõi để chuẩn bị thiết thực cho công việc sau khi ra trường.

TS. Trần Thị Ánh Nguyệt, Trưởng khoa Tiếng Trung Quốc, trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, chiến lược chuyển đổi số cho ngành ngôn ngữ Trung Quốc tại trường Đại học Mở Hà Nội là thiết lập, triển khai và quảng bá nền tảng giáo dục trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin vào phương pháp giảng dạy; số hoá bài giảng và tài liệu giảng dạy; kết hợp giảng dạy trực tuyến và giảng dạy trực tiếp cùng lúc. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra, theo dõi quá trình học tập của sinh viên; tạo môi trường học tập, giảng dạy cởi mở, kết nối cho thầy cô và người học.

Trong nhiều năm qua, khoa Tiếng Trung Quốc đã không ngừng phát triển và khẳng định vị thế là một trong những đơn vị đào tạo tiếng Trung uy tín tại Việt Nam. Với triết lý "Mở": Mở cơ hội, Mở trái tim, Mở trí tuệ, Mở tầm nhìn, Mở tương lai, nhà trường luôn nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường hợp tác quốc tế và đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy ngôn ngữ.

Thực tế cho thấy, ứng dụng chuyển đổi số tạo ra mô hình giáo dục thông minh, từ đó giúp việc học, tiếp thu kiến thức của người học trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền đạt kiến thức và phát triển được khả năng tự học của người học mà không bị giới hạn về thời gian cũng như không gian. Hiện tại, chuyển đổi số trong giáo dục được ứng dụng dưới 3 hình thức chính đó là: Ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy, quản lý và trong lớp học.