Bạn đến tham quan một di tích hang động nào đó nhưng chỉ chăm chú check in, không tìm hiểu về câu chuyện, lịch sử hay những giá trị văn hóa tại đó. Vậy bạn đã thực sự du lịch chưa?

Sống ảo không xấu nhưng hãy sống ảo “đi thật”

Vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành Marketing, N.T.H (ở Kiến Hưng, quận Hà Đông) mong muốn tìm công việc phù hợp làm thêm để trang trải chi phí học tiếp sau đại học. Lang thang trên mạng xã hội, vào các trang tin tuyển dụng trên internet để tìm việc làm, nhưng sau nhiều lần đăng ký tuyển dụng, T.H cảm thấy “sợ hãi” trước những số điện thoại lạ gọi đến tư vấn, giới thiệu việc làm.

H kể: “Em cảm thấy lo lắng khi có nhiều số điện thoại lạ gọi đến, họ hướng dẫn cài đặt phần mềm các kiểu, rồi yêu cầu nạp tiền gọi là chi phí khảo sát, tuyển dụng, rồi đặt lịch phỏng vấn… và sau đó thì họ mất tích luôn”. Theo T.H, để tạo sự tin tưởng cho những “con mồi”, nhiều người gọi điện đến hướng dẫn tải app và nạp tiền, đồng thời cam kết, khi có lịch hẹn, người lao động đến phỏng vấn sẽ được hoàn tiền.

“Một số người bạn của tôi khi tìm việc làm trên các trang mạng cũng bị yêu cầu nạp tiền vào app để được “khảo sát online”, mỗi hồ sơ đăng ký nộp tiền từ 100.000 - 500.000 đồng/tùy từng đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng. Tuy nhiên, nhiều người khi nạp tiền xong mà chưa thấy được đặt lịch, liên hệ lại số điện thoại cũ thì “thuê bao không liên lạc được”, T.H kể.

Từ ví dụ của T.H cho thấy, các đối tượng hiện nay thường giả danh nhân viên tuyển dụng của các doanh nghiệp, công ty lớn đăng tin “tuyển dụng” giả trên các trang mạng xã hội. Thậm chí, nhiều đối tượng còn lập tài khoản giả trên Tiktok, Facebook, Instagram… hay các website giả mạo doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước nhằm “giăng bẫy” người lao động. Nếu không tinh ý, người lao động sẽ dễ dàng sập bẫy các đối tượng lừa đảo.

Mới đây, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã đưa ra cảnh báo, về việc xuất hiện một số cá nhân mạo danh phòng nhân sự của Công ty để tuyển dụng. Theo thông tin cảnh báo, thủ đoạn của các đối tượng rất bài bản và tinh vi; các đối tượng lập tài khoản giả trên trang cá nhân mạng xã hội của mình và cho biết, hiện đang giữ chức vụ Phụ trách quan hệ lao động của Unilever Việt Nam đăng thông tin tuyển dụng việc làm, sau đó chúng lập website giả mạo để tạo sự tin cậy với người tìm việc. Khi thấy “con mồi” đã sập bẫy, các đối tượng lừa đảo sẽ gửi một file đăng ký thông tin cá nhân online, sau đó kêu gọi người ứng tuyển ứng tiền. Tinh vi hơn, nhiều đối tượng còn làm giả biên lai thu tiền có chữ ký và dấu của Công ty để tạo sự tin tưởng. Ứng viên sau khi chuyển tiền sẽ nhận biên lai và chờ đợi. Chờ quá thời hạn được hứa hẹn mà không có hồi âm, tìm thông tin trang cá nhân của người thu tiền cũng không thấy, người lao động chỉ biết mình bị lừa khi đến Unilever Việt Nam hỏi thực hư thông tin tuyển dụng…

… Đến thông tin cá nhân bị đánh cắp

Không chỉ Unilever Việt Nam cảnh báo về việc bị các đối tượng giả mạo lừa tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam… cũng đã lên tiếng khi bị kẻ xấu mạo danh thương hiệu, các đối tượng đăng thông tin để tuyển người lao động cho những công việc không trung thực, hoặc nhằm thu lợi bất chính từ những người có nhu cầu tìm việc. Cùng đó, các doanh nghiệp này cũng đưa ra khuyến cáo, người lao động nên đề cao cảnh giác khi nhận thông tin tuyển dụng từ bất cứ nguồn nào, ngoài các trang web và kênh truyền thông chính thức của công ty. Với các vị trí tại cửa hàng, doanh nghiệp khuyến khích người tìm việc tới phỏng vấn trực tiếp để bảo đảm quyền lợi và tính chính thống.

Đề cập vấn đề này, ông Phạm Duy Khánh, đại diện công ty chuyên cung ứng lao động, việc làm trên địa bàn quận Thanh Xuân, cho biết, hiện nay nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động rất lớn. Nhiều người thường đăng ký trên các trang tuyển dụng trực tuyến, các trang mạng xã hội và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sẽ vào các trang này để tìm kiếm ứng viên. “Đây cũng là miếng mồi ngon để những kẻ lừa đảo lợi dụng lấy thông tin ứng viên, rồi chúng sẽ liên hệ với ứng viên có nhu cầu xin việc, hẹn phỏng vấn và… lừa người lao động. Đặc biệt, các hình thức lừa đảo rất tinh vi và chuyên nghiệp, vì thế, mọi người có nhu cầu tìm việc cần hết sức cẩn thận, lựa chọn các đơn vị tuyển dụng có uy tín, hay các trung tâm dịch vụ việc làm, thậm chí trực tiếp đến các cơ quan, tổ chức đích danh để nộp đơn tuyển dụng”, ông Khánh cho hay.

Có thể thấy, việc các đối tượng lừa đảo tuyển dụng và yêu cầu người lao động đóng trước một khoản phí xét tuyển hồ sơ online tuy không lớn, nhưng khi phát hiện, các nạn nhân sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc lấy lại số tiền đã nộp. Thậm chí, không ít người bị lừa đảo đã phải đối mặt với sự tổn thương về tinh thần, hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm, không dám chia sẻ với ai...

Trước thực trạng này, để bảo vệ quyền lợi người lao động, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an thành phố Hà Nội, đưa ra cảnh báo và nêu rõ một số chiêu trò tuyển dụng của các đối tượng lừa đảo, như: Yêu cầu đóng phí trước khi bắt đầu công việc, thông tin công việc không rõ ràng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm hoặc yêu cầu tham gia vào các công việc mờ ám.

Đặc biệt, khi thấy một công việc có mức lương quá cao so với công sức bỏ ra, người tìm việc cần cân nhắc kỹ và tham khảo ý kiến của người có kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tuyệt đối cẩn trọng trước những lời mời chào về công việc trên mạng xã hội; cần truy cập vào các trang web chính thống của công ty, đơn vị tuyển dụng hoặc liên hệ trực tiếp với phòng nhân sự qua thông tin liên lạc công khai để xác nhận tính hợp lệ của thông tin tuyển dụng. Ngoài ra, tuyệt đối không dựa vào thông tin từ email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc, không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm; không truy cập vào đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng, tệp tin không rõ nguồn gốc. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người lao động cần lập tức báo cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.